Đòn Bẩy Trong Forex: Con Dao Hai Lưỡi

Một trong những lý do khiến nhiều người thích tham gia giao dịch ngoại hối (forex) hơn so với các công cụ tài chính khác là vì thị trường forex thường được áp dụng mức đòn bẩy cao hơn nhiều so với thị trường chứng khoán. Mặc dù có nhiều nhà giao dịch (trader) đã nghe nói về “đòn bẩy”, nhưng chỉ một số ít người biết được định nghĩa, nguyên lý hoạt động và tầm ảnh hưởng trực tiếp của đòn bẩy đối với lợi nhuận của họ.

Tại thị trường forex, khái niệm dùng tiền của người khác để giao dịch cũng được áp dụng rộng rãi. Bài viết này sẽ giúp bạn khám phá những lợi ích của việc sử dụng vốn vay để giao dịch và đánh giá lý do tại sao việc sử dụng đòn bẩy forex trong chiến lược giao dịch forex có thể là một con dao hai lưỡi.

Đòn Bẩy Trong Forex: Con Dao Hai Lưỡi

Các ý chính

• Đòn bẩy forex là công cụ giúp trader dùng các khoản tiền đi vay để giao dịch một khối lượng tài sản lớn vượt mức giao dịch khả dụng trên số dư tiền mặt của họ.

• Tài khoản môi giới cho phép trader sử dụng đòn bẩy forex thông qua hình thức giao dịch ký quỹ, tức là khi đó sàn môi giới sẽ cho trader vay tiền để giao dịch.

• Các trader forex thường sử dụng đòn bẩy forex để kiếm lợi nhuận từ những cơn sóng biến động giá tương đối nhỏ của các cặp tiền tệ.

• Tuy nhiên, đòn bẩy forex có thể khuếch đại cả lợi nhuận và thua lỗ.

Định nghĩa đòn bẩy

Đòn bẩy là công cụ giúp trader vay một số tiền nhất định mà anh ta cần để đầu tư vào một tài sản nào đó. Trong thị trường forex, số tiền này thường được vay từ sàn môi giới. Khi giao dịch forex, trader có thể sử dụng mức đòn bẩy cao vì với mức ký quỹ ban đầu, trader có thể tích lũy và kiểm soát một khoản tiền khổng lồ.

Mức đòn bẩy forex dựa trên ký quỹ được tính bằng cách chia tổng giá trị khoản giao dịch cho số tiền ký quỹ mà bạn bắt buộc phải nạp vào:

Đòn bẩy dựa trên ký quỹ = Tổng giá trị giao dịch / Mức ký quỹ bắt buộc

Ví dụ: nếu bạn bị bắt buộc phải nạp số tiền có giá trị bằng 1% trên tổng giá trị giao dịch dưới dạng ký quỹ và bạn dự định giao dịch một lô tiêu chuẩn của cặp USD/CHF, hay tương đương với 100.000 USD, khi đó mức ký quỹ bắt buộc sẽ là 1.000 USD. Do đó, mức đòn bẩy dựa trên ký quỹ của bạn sẽ là 100:1 (100.000/1.000). Nếu mức ký quỹ bắt buộc chỉ là 0,25%, thì mức đòn bẩy dựa trên ký quỹ sẽ là 400:1 bằng cách áp dụng cùng một công thức trên.

Mức đòn bẩy dựa trên ký quỹ dưới dạng tỷ số Mức ký quỹ bắt buộc trên tổng giá trị giao dịch
400:1 0,25%
200:1 0,50%
100:1 1,00%
50:1 2,00%

Tuy nhiên, mức đòn bẩy dựa trên ký quỹ không nhất thiết ảnh hưởng đến rủi ro và cho dù mức ký quỹ bắt buộc của trader là 1% ​​hay 2% giá trị khoản giao dịch thì con số đó cũng không ảnh hưởng gì đến tiền lợi nhuận hoặc thua lỗ của họ. Điều này là do nhà đầu tư lúc nào cũng có thể phân bổ vốn nhiều hơn mức ký quỹ bắt buộc trong bất kỳ lệnh giao dịch nào. Từ đó có thể thấy rằng đòn bẩy thực là chỉ báo chính xác hơn về lãi và lỗ chứ không phải đòn bẩy dựa trên ký quỹ.

Để tính mức đòn bẩy thực mà bạn hiện đang sử dụng, chỉ cần chia tổng mệnh giá của các vị thế mở cho vốn giao dịch của bạn:

Đòn bẩy thực = Tổng giá trị giao dịch / Tổng vốn giao dịch

Ví dụ: nếu bạn có 10.000 USD trong tài khoản và bạn mở vị thế 100.000 USD (tương đương với một lô tiêu chuẩn), khi đó bạn đang giao dịch với đòn bẩy forex gấp 10 lần quy mô tài khoản của mình (100.000/10.000). Nếu bạn giao dịch hai lô tiêu chuẩn với mệnh giá 200.000 USD bằng 10.000 USD trong tài khoản của mình, thì đòn bẩy của bạn trên tài khoản là 20 lần (200.000/10.000).

Điều này cũng có nghĩa là mức đòn bẩy dựa trên ký quỹ bằng với mức đòn bẩy thực tối đa mà trader có thể sử dụng. Vì hầu hết các trader đều không sử dụng toàn bộ số vốn trong tài khoản làm tiền ký quỹ cho mỗi lệnh giao dịch nên đòn bẩy thực của họ thường sẽ khác với đòn bẩy dựa trên ký quỹ.

Nói chung, bất kỳ trader nào cũng không nên sử dụng toàn bộ số tiền ký quỹ đang có mà chỉ nên sử dụng đòn bẩy forex khi rõ ràng nắm chắc lợi thế.

Một khi đã xác định được mức rủi ro tính theo số pip thì trader có thể tính toán được số tiền vốn có nguy cơ thua lỗ. Theo nguyên tắc chung, khoản lỗ này không bao giờ được lớn hơn 3% tổng vốn giao dịch. Nếu một vị thế lệnh giao dịch nào đó được áp đòn bẩy forex đến mức mà khoản lỗ tiềm tàng có thể lên đến 30% vốn giao dịch thì mức đòn bẩy đó phải được giảm lại theo chuẩn vừa nêu. Từng trader sẽ có bề dày kinh nghiệm và tiêu chuẩn rủi ro của riêng mình và họ cũng có thể tự quyết định tăng hoặc giảm mức chấp nhận rủi ro tính từ mốc 3%.

Các trader cũng có thể sẽ tính toán mức ký quỹ mà họ cần sử dụng. Giả sử rằng bạn có 10.000 USD trong tài khoản giao dịch và bạn quyết định giao dịch 10 lô nhỏ (lô mini) của cặp USD/JPY. Một pip trong tài khoản lô nhỏ có trị giá khoảng 1 USD, nhưng khi bạn giao dịch 10 lô nhỏ, mỗi bước dịch chuyển 1 pip sẽ có trị giá khoảng 10 USD. Nếu bạn giao dịch 100 lô nhỏ, thì mỗi bước chuyển động giá 1 pip có giá trị khoảng 100 USD.

Như vậy, mức dừng lỗ 30 pip có thể tương đương với khoản lỗ tiềm tàng là 30 USD cho một lô nhỏ, 300 USD cho 10 lô nhỏ và 3.000 USD cho 100 lô nhỏ. Do đó, với tài khoản 10.000 USD và mức rủi ro tối đa 3% cho mỗi giao dịch, bạn chỉ nên áp mức đòn bẩy trong forex cao nhất là 30 lô nhỏ mặc dù bạn có thể có khả năng giao dịch nhiều hơn.

Đòn bẩy trong giao dịch forex

Trên thị trường forex, tỷ lệ đòn bẩy thường có thể lên cao tới 100:1. Điều này có nghĩa là với mỗi 1.000 USD trong tài khoản, bạn có thể giao dịch một cặp tiền tệ có giá trị lên đến 100.000 USD. Nhiều trader tin rằng lý do mà các nhà tạo lập thị trường đưa ra mức đòn bẩy forex cao như vậy là vì đòn bẩy forex là một công cụ rủi ro. Họ biết rằng nếu tài khoản được quản lý đúng cách thì rủi ro cũng sẽ dễ dàng nằm trong tầm kiểm soát, nếu không họ đã không cung cấp đòn bẩy. Ngoài ra, bởi vì thị trường forex giao ngay có quy mô rất lớn và có tính thanh khoản cao nên trader có khả năng vào và thoát lệnh giao dịch ở mức giá mong muốn dễ dàng hơn nhiều so với các thị trường khác vốn có tính thanh khoản kém hơn.

Trong giao dịch forex, độ biến động của các cặp tiền tệ được tính theo pip. Pip là đơn vị thay đổi nhỏ nhất trong tỷ giá cặp tiền tệ và đơn vị này còn tùy thuộc vào từng cặp tiền tệ. Những bước chuyển động giá cỡ pip thực sự chỉ bằng một phần nhỏ của một cent. Ví dụ: khi một cặp tiền tệ như GBP/USD thay đổi 100 pip từ 1,9500 lên 1,9600 thì 100 pip đó chỉ tương đương mức thay đổi 1 cent trong tỷ giá hối đoái.

Đây là lý do tại sao các khoản giao dịch tiền tệ đều phải được thực hiện với số lượng lớn, qua đó mới có thể cho phép những bước chuyển động giá siêu nhỏ này biến thành khoản lợi nhuận lớn hơn khi được khuếch đại thông qua đòn bẩy. Khi bạn giao dịch một số tiền lớn như 100.000 USD thì những thay đổi nhỏ trong tỷ giá hối đoái có thể biến thành các khoản lợi nhuận hoặc thua lỗ rất lớn.

Rủi ro của việc dùng đòn bẩy thực quá cao khi giao dịch Forex

Đây chính là lúc xuất hiện con dao hai lưỡi, vì đòn bẩy thực có khả năng nhân lên mức lợi nhuận hoặc thua lỗ của bạn theo cùng một hệ số. Bạn áp dụng mức đòn bẩy trên số tiền vốn càng lớn thì rủi ro mà bạn phải chịu càng cao. Lưu ý rằng rủi ro này không hẳn liên quan đến đòn bẩy dựa trên ký quỹ mặc dù mức đòn bẩy đó có thể gây ảnh hưởng nếu trader không cẩn thận.

Luận điểm này có thể được lý giải rõ hơn bằng một ví dụ. Cả Trader A và Trader B đều có vốn giao dịch là 10.000 USD và họ giao dịch tại một sàn môi giới vốn có yêu cầu nạp ký quỹ là 1%. Sau khi phân tích thông tin, cả hai đều đồng ý rằng cặp USD/JPY đang chạm đỉnh và sẽ giảm giá trị. Do đó, cả hai đều bán USD/JPY ở mức 120.

Trader A quyết định áp dụng đòn bẩy thực gấp 50 lần cho lệnh giao dịch này bằng cách bán cặp USD/JPY với tổng trị giá 500.000 USD (50 × 10.000 USD) bằng số vốn giao dịch 10.000 USD. Bởi vì tỷ giá USD/JPY đứng ở mức 120 nên một pip của cặp USD/JPY trong một lô tiêu chuẩn trị giá khoảng 8,30 USD, do đó, 1 pip USD/JPY trong năm lô tiêu chuẩn có giá trị khoảng 41,50 USD. Nếu USD/JPY tăng lên 121, Trader A sẽ lỗ mất 100 pip, tương đương với khoản lỗ tổng cộng 4.150 USD. Chỉ riêng khoản lỗ này sẽ chiếm 41,5% tổng vốn giao dịch của Trader A.

Trong khi đó, Trader B là một trader thận trọng hơn và quyết định áp dụng mức đòn bẩy thực gấp năm lần cho lệnh giao dịch này bằng cách bán cặp USD/JPY với tổng trị giá 50.000 USD (5 × 10.000 USD) bằng số vốn giao dịch 10.000 USD. Khối lượng cặp USD/JPY với trị giá 50.000 USD chỉ bằng một nửa lô tiêu chuẩn. Nếu tỷ giá USD/JPY tăng lên 121, TraderB sẽ thua lỗ 100 pip trong lệnh giao dịch này, tương đương với khoản lỗ 415 USD. Chỉ riêng khoản lỗ này chiếm 4,15% tổng vốn giao dịch của Trader B.

Bảng so sánh dưới đây cho thấy sự khác biệt giữa tài khoản giao dịch của hai trader trên sau khi lỗ 100 pip.

  Trader A Trader B
Vốn giao dịch 10.000 USD 10.000 USD
Đòn bẩy thực 50 lần 5 lần
Tổng giá trị giao dịch 500.000 USD 50.000 USD
Khoản lỗ quy đổi từ -100 pip -4.150 USD -415 USD
Tỷ lệ thua lỗ trên tổng vốn 41,5% 4,15%
Tỷ lệ số vốn còn lại 58,5% 95,8%

Tổng kết

Bạn không cần phải sợ đòn bẩy forex khi đã nắm vững cách quản lý công cụ này. Trường hợp duy nhất mà bạn không bao giờ nên sử dụng đòn bẩy forex là khi bạn không trực tiếp thực hiện giao dịch. Còn trong những trường hợp khác, bạn vẫn có thể dùng đòn bẩy forex thành công và kiếm được lợi nhuận dựa trên các phương pháp quản lý thỏa đáng. Giống như bất kỳ công cụ “sắc bén” nào khác, đòn bẩy forex phải được tận dụng một cách cẩn thận. Một khi bạn đã học được cách làm điều này thì không có lý do gì để lo lắng.
Khi áp dụng đòn bẩy thực cho mỗi lệnh giao dịch ở mức nhỏ hơn, bạn sẽ có nhiều dư địa biến động hơn vì khi đó điểm dừng lỗ sẽ cách xa hơn nhưng cũng hợp lý hơn và bạn có khả năng tránh thua lỗ nặng hơn. Nếu áp dụng mức đòn bẩy forex quá cao cho lệnh giao dịch thì bạn có thể nhanh chóng bị cháy tài khoản nếu giá chuyển động theo hướng bất lợi cho bạn, vì khi đó bạn sẽ chịu khoản lỗ nặng hơn do kích thước lô lớn hơn. Hãy nhớ rằng đòn bẩy forex lúc nào cũng có thể được điều chỉnh linh hoạt tùy theo nhu cầu của mỗi trader.

Bài viết liên quan

Phản hồi

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *